Rau càng cua có tên khoa học Peperomia peliucida, ưa mọc nơi đất ẩm, nhất là nơi như chân vách tường, trong các chậu kiểng. Thân cây cao khoảng 20 - 30cm, với thân rất giòn, mọng nước. Càng cua thường được chế biến thành các món ăn ngon như bóp giấm, xào tái với thịt bò, heo, gà ăn rất nhiều dinh dưỡng.
Theo Đông y, rau càng cua có tác dụng bổ âm huyết, thanh nhiệt, giải độc, thông ứ, chỉ thống, lợi tiểu tiện, là món ăn bài thuốc rất thích hợp chữa trị chứng phế nhiệt miệng khô khát, chứng huyết nhiệt sinh mụn nhọt lở ngứa, chứng vị nhiệt sinh táo bón, chứng thận âm hư, bàng quang nhiệt tiểu buốt gắt, chữa chứng đau mỏi cơ khớp do phong nhiệt.
Rau còn chứa nhiều kali là chất rất cần cho sự hoạt động bình thường của cơ tim, sử dụng rất tốt cho bệnh tim mạch và huyết áp. Rau càng cua có nhiều chất phosphor, canxi giúp trẻ em phát triển bộ xương, ngăn ngừa còi xương ở trẻ và chữa loãng xương người lớn. Rau chứa nhiều chất sắt, ăn rất tốt cho người thiếu máu do thiếu sắt. Ngoài ra, càng cua giàu chất magiê cũng là chất có vai trò chữa bệnh đái tháo đường, táo bón, cao huyết áp…
Sau đây là một số tác dụng của rau càng cua:
- Chữa nhiễm trùng đầu ngón tay (chín mé): Rau càng cua 100 - 150g sắc uống trong, bã đắp ngoài.
- Chữa ngoài da khô sần, mụn nhọt lở ngứa, vết thương lâu lành: Rau càng cua ăn sống, hoặc xay nước uống, giã đắp ngoài.
- Chữa đau lưng cơ co rút (nhiệt độc nhập kinh thận): Rau càng cua sắc uống mỗi ngày 50 - 100g.
- Chữa chứng tiêu khát (đái tháo đường) có kèm chứng miệng khô khát, táo bón: Rau càng cua rửa sạch 100g bóp giấm, chanh, thịt ếch chiên bột 100g ăn tuần vài lần.
- Chữa thiếu máu: Rau càng cua 100g rửa sạch bóp giấm, thịt bò, cho gia vị vừa đủ xào chín tới trộn đều ăn vài lần.
- Chữa phế nhiệt, viêm họng khô cổ khan tiếng: Rau càng cua rửa sạch nhai ngậm, hoặc xay nước uống ngày 50 - 100g.
- Chữa tiểu gắt, tiểu khó: Rau càng cua ăn sống hoặc nấu nước uống ngày 150 - 200g.