Rau bò khai tiếng Nùng gọi là Nèo tùm, tên khoa học: Erythropalum scandens Blume thuộc họ Dây hương (Elythropalaceae). Bò khai là cây ưa bóng, ẩm, thường mọc hoang trong rừng tự nhiên, rừng tái sinh nhiệt đới và có cả trong vùng núi đá. Đó là một loại rau thoạt nhìn giống ngọn su su nhưng mảnh mai, yếu ớt hơn và màu xanh đậm hơn. Ngọn rau bò khai thường mọc men theo những thân gỗ lớn để vươn lên giống như những cây tầm gửi.
Rau bò khai tiếng Nùng gọi là Nèo tùm, tên khoa học: Erythropalum scandens Blume thuộc họ Dây hương (Elythropalaceae). Bò khai là cây ưa bóng, ẩm, thường mọc hoang trong rừng tự nhiên, rừng tái sinh nhiệt đới và có cả trong vùng núi đá. Đó là một loại rau thoạt nhìn giống ngọn su su nhưng mảnh mai, yếu ớt hơn và màu xanh đậm hơn. Ngọn rau bò khai thường mọc men theo những thân gỗ lớn để vươn lên giống như những cây tầm gửi. Vào khoảng mùa xuân, rau bò khai bắt đầu trổ ngọn xanh tốt và trổ mùa quanh năm . Người ta hái ngọn bò khai về để xào nấu, chẳng cần phải cầu kỳ gì, chỉ cần mỡ phi tỏi vàng rồi cho rau vào xào to lửa, nhanh tay là đã có món rau ngon tuyệt, xanh mướt, giòn, ngọt với mùi vị rất đặc biệt.
Rau bò khai có thể xào với thịt bò, mì tôm, phở đều là những món ăn ngon được nhiều người ưa thích. Người thích rau bò khai cũng giống như người thích ăn sầu riêng, khi đã quen, đã “nghiện” thì chẳng có mùi vị nào hấp dẫn hơn thế. Rau Bò Khai có một mùi vị rất riêng, không thể tìm được sự tương đồng ở bất cứ loại mùi vị nào khác.
Mùi vị ấy là sự hòa quyện giữa hương đất rừng, cái thanh khiết của thứ nước mát trong từ nơi ngọn nguồn sông suối với cái khí trong lành, se sắt của tiết trời chớm xuân ở nơi miền núi này. Hương vị rau bò khai luôn quấn quyện trong nỗi nhớ của người dân nơi đây mỗi khi xa quê. Còn với những vị khách một lần được thưởng thức loại rau này sẽ trở thành kỉ niệm không quên.
Ai đã một lần được nếm thử món rau bò khai sẽ nhớ mãi. Nhớ bởi hương vị của món rau rừng này rất lạ lùng, không giống bất kỳ một món rau nào khác. Nói là thơm thì không hẳn nhưng với nhiều người thì nó là một thứ hương vị đặc biệt quyến rũ, nó nằm trong nỗi nhớ quê hương của người xứ và nằm trong nhiều kỷ niệm của những ai đã từng qua đây.
Loại rau quý cần được khôi phục và bảo vệ
Rau bò khai có không những là loại rau đặc sản mà còn được dùng để làm thuốc rất tốt. Lá cây bò khai là một vị thuốc thường được dùng để chữa các bệnh viêm thận, gan, viêm đường tiết niệu, tiểu tiện không thông…có thể xào ăn hàng ngày hoặc lấy thân phơi khô, thái nhỏ sắc nước uống.
Hiện ở thôn Hố Mười chỉ còn một số gia đình còn rừng tự nhiên (gia đình ông Hứa Văn Nhủng, Hứa Văn Nhảng, Hứa Tiến Hữu…) nên giữ lại được loại rau này và đang trồng nhân rộng. Giá bán mỗi bó rau bò khai có giá từ 2000 – 3000đ, chưa mang ra đến chợ đã bán hết. Cây ra chồi rất mạnh. Để có nhiều ngọn non, tháng 10 Âm lịch cần phát các cành già. Cái độc đáo là ở chỗ, khi thu hái cần bẻ hết phần non bởi lẽ giống cây này thường mọc mầm rất mập tại những chỗ bị bẻ gẫy.
Theo anh Hứa Văn Tỉnh, dân tộc Nùng ở Hố Mười “Ngày xưa khi còn rừng tự nhiên thì loại rau này còn rất nhiều, mọc ven các con khe suối trong rừng, nhưng từ khi bạch đàn hoá thì rau bò khai và nhiều loại cây bản địa khác bị mất hết. Thấy được giá trị của nó gia đình tôi đã mang về trồng trong vườn, rừng của mình. Cây mọc nhanh chỉ 1 năm là có thể thu hoạch được, hiện nay gia đình tôi có hơn 40 gốc, cứ 1 tuần vợ tôi lại mang ra chợ bán với giá từ 2000 – 3000đ/bó, tính tương đương 200đ/ngọn rau bò khai, mà chưa mang ra đến chợ đã bán hết, cứ mỗi lần đi chợ gia đình tôi cũng thu được 50.000 – 60.000đ/từ loại rau này mà rất đơn giản và gọn nhẹ, nếu bà con ta biết giữ rừng tự nhiên thì bây giờ cây bò khai đã trở thành hàng hoá và mang lại thu nhập đáng kể. Trong thời gian tới tôi sẽ trồng nhiều thêm loại cây này”.
Với những giá trị mà cây rau bò khai mang lại trong tương lai cần nhân trồng, mang và giới thiệu sản phẩm ra thị trường tạo thành thương hiệu cho sản phẩm bò khai Hố Mười từ đó góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương. Hiện nay, cây bò khai là một loại sản phẩm tự nhiên rất được ưa chuộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Loại rau này hiện đã được ưa thích ở cả miền xuôi trong vài năm lại đây và còn là vị thuốc quý. Trồng và bán rau bò khai xuống phố thị thực sự là một hướng làm kinh tế hết sức triển vọng.
Vì chạy theo lợi nhuận trước mắt ở Hữu Lũng nói chung và Hố Mười nói riêng đã chặt phá rừng tự nhiên để thay vào đó là cây bạch đàn. Diện tích rừng tự nhiên bị mất, trồng cây bạch đàn đã làm cho đất đai ngày càng nghèo kiệt, nguồn nước khô hạn nhiều loài cây lâm nghiệp, sản phẩm phi gỗ (nấm, rau rừng, măng, thuốc nam…) bị mất dần trong đó có cây rau bò khai.
Trong thời gian tới cây rau bò khai nói riêng, cây rau ngót rừng, cây làm men lá và nhiều loại cây lâm nghiệp bản địa nói chung cần phải được khôi phục và bảo vệ. Để làm được điều này cần phải có sự quan tâm từ phía địa phương, cộng đồng nhằm khôi phục lại rừng tự nhiên, thực hiện các biện pháp về đa dạng sinh học, hạn chế độc canh cây bạch đàn như hiện nay.